11 CỰU QUAN CHỨC TỈNH BÌNH THUẬN BỊ BẮT TẠM GIAM
Ngày 26/4/2024, Bộ Công an thông tin khởi tố bị can đối với 12 trường hợp nguyên là lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và các sở, ngành trực thuộc.
Theo đó, căn cứ kết quả điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, do CTCP Rạng Đông làm chủ đầu tư; ngày 23/4/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can và các quyết định tố tụng hình sự đối với 12 trường hợp về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trong đó: Ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 11 trường hợp, gồm: (1) Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; (2) Xà Dương Thắng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận; (3) Đỗ Ngọc Điệp, nguyên Chủ tịch UBND TP Phan Thiết; (4) Hồ Như Hải, nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam - Chi nhánh Bình Thuận, Thẩm định viên về giá; (5) Lê Anh Huy, nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp thuộc Chi cục quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận;
(6) Nguyễn Văn Phong, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; (7) Hồ Lâm, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trương tỉnh Bình Thuận; (8) Lê Nguyễn Thanh Danh, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; (9) Nguyễn Thanh Cho, nguyên Chi cục Trưởng Chi cục quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận; (10) Lê Nam Hưng, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận và (11) Phạm Duy Cường, nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận; nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Xuân Phong, nguyên Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Thuận.
DỰ ÁN GÂY THẤT THOÁT HÀNG NGHÌN TỶ ĐỒNG
Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết ban đầu là dự án Sân golf Phan Thiết có diện tích hơn 62 ha, chủ đầu tư là Công ty Regent International Overseas Corp (100% vốn nước ngoài), được cấp phép năm 1993.
Đến tháng 9/2013, nhà đầu tư nước ngoài đã ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn tại doanh nghiệp dự án (Công ty Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết, nay là Công ty TNHH Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết) cho CTCP Rạng Đông.
Ít lâu sau khi nhận chuyển nhượng, Rạng Đông đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đất sân golf sang đất ở đô thị và được chấp thuận. Đáng chú ý, ngày 1/3/2014, CTCP Rạng Đông đã có thông báo chấm dứt hoạt động sân golf từ ngày 1/4/2014 dù chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép.
Phối cảnh dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Ngày 25/11/2015, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất cho phần diện tích gần 36,4ha (gồm đất ở kết hợp thương mại dịch vụ, chiếm 58,57% diện tích dự án). Phần còn lại là diện tích không thu tiền sử dụng đất là 25,7 ha.
Theo đó, tổng số tiền sử dụng đất mà CTCP Rạng Đông phải nộp là 936,8 tỷ đồng. Tính chi tiết ra, giá đất bình quân chỉ là 2,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất thực tế tại thời điểm đó ở TP. Phan Thiết và các tuyến đường nằm quanh dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết cao gấp 5 lần trở lên giá đất mà UBND tỉnh Bình Thuận áp vào dự án này của Rạng Đông.
Tháng 10/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có thông báo về kết luận giám định tài sản.Theo đó, kết quả định giá quyền sử dụng đất dự án Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết tại thời điểm 10/4/2015 đến 25/11/2015 là hơn 2.863 tỷ đồng. Như vậy, số tiền mà tỉnh Bình Thuận đã áp thu đối với dự án nêu trên thấp hơn khoảng 1.900 tỷ đồng so với kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp Bộ.
TẬP ĐOÀN RẠNG ĐÔNG KINH DOANH NHƯ THẾ NÀO?
CTCP Rạng Đông (sau đổi tên là Tập đoàn Rạng Đông) do doanh nhân Nguyễn Văn Đông làm chủ tịch, là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất tại tỉnh Bình Thuận với hơn 15 công ty thành viên.
Tiền thân của Tập đoàn Rạng Đông là Tổ hợp Xây dựng số 4, được thành lập từ đầu năm 1991, hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực: Thi công xây dựng các công trình cầu đường, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dân dụng và công nghiệp ….; Khai thác và chế biến khoáng sản; Sản xuất vật liệu xây dựng; Chế biến đồ gỗ; Cơ khí; Trồng rừng, trồng cao su; Đầu tư xây dựng các khu dân cư, các khu du lịch phức hợp (resort, khách sạn, sân golf,…) và đầu tư hạ tầng giao thông bằng hình thức hợp đồng BOT.
Hiện nay, sau nhiều lần tái cấu trúc, Tập đoàn Rạng Đông trở thành Tập đoàn tư nhân đa ngành hoạt động chính trong các lĩnh vực: Đầu tư – Xây dựng; Khoáng sản kim loại; Thương mại, dịch vụ và Vật liệu xây dựng.
CTCP Rạng Đông được thành lập từ tháng 9/2007, địa chỉ trụ sở chính tại đường Tôn Đức Thắng, phường Xuân An, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty là bà Trịnh Thị Phương Hiền (SN 1981).
Theo đăng ký doanh nghiệp tại tháng 6/2019, CTCP Rạng Đông có quy mô vốn điều lệ là 1.804 tỷ đồng, trong đó, Chủ tịch Nguyễn Văn Đông góp 1.749,88 tỷ đồng, sở hữu 97% vốn điều lệ của công ty.
Công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại ngày 2/8/2021, quy mô vốn của CTCP Rạng Đông đạt 4.500 tỷ đồng và không nêu rõ cơ cấu cổ đông.
Trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Rạng Đông là chủ đầu tư một loạt dự án bất động sản đáng chú ý tại Bình Thuận như: Khu phức hợp nghỉ dưỡng Sea Links City rộng 167 ha tại địa chỉ Km 09 Nguyễn Thông, phường Phú Hài, TP.Phan Thiết (hay còn gọi là dự án Sân Golf Sea Link Phan Thiết); Dự án khu dân cư Rạng Đông rộng 8 ha thuộc địa bàn xã Hàm Liên, huyện Hàm Thuận Bắc; Dự án Khu công nghiệp Sông Bình quy mô 300ha, tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình.
Trong lĩnh vực xây lắp, CTCP Rạng Đông là chủ đầu tư dự án BOT cầu Phú Hài. Ngoài ra, Rạng Đông Group còn thi công các dự án khác, góp phần chỉnh trang đô thị thành phố biển như Công viên Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 55…
CTCP Rạng Đông cũng đã trúng thầu hợp đồng BOT xây dựng sân bay Phan Thiết từ năm 2016, có tổng mức đầu tư 1.548,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồi cuối năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận liên quan hình thức lựa chọn nhà đầu tư Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng (Dự án sân bay Phan Thiết). Qua đó, chấm dứt hợp đồng BOT với CTCP Rạng Đông và đưa ra cơ chế lựa chọn nhà đầu tư mới cho Dự án Cảng hàng không Phan Thiết.
Trong lĩnh vực khai khoáng, Rạng Đông Group là chủ đầu tư dự án Khai thác khoáng sản cát bồi nền Hàm Kiệm 4 (thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, trữ lượng 101.768 m3); Khai thác khoảng sản mỏ đá xây dựng Tân Hà (xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).
Ngoài ra, Tập đoàn Rạng Đông từng có quãng thời gian đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng khi nắm giữ 32,5 triệu cổ phần Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank – Mã CK: VAB) từ năm 2015. Tuy nhiên, trong năm 2021, CTCP Rạng Đông đã bán ra gần 11 triệu cổ phiếu VAB, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4,88% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn của VietABank.