Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dự án Nhà máy điện mặt trời (ĐMT) KN Cam Lâm tọa lạc tại xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, có tổng công suất là 50MW.
Dự án được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến 2035 (Quyết định số 424/QĐ-BCT ngày 31/1/2018).
Theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (NLTT) thẩm định, đã không tiếp thu đầy đủ ý kiến của EVN tại văn bản số 5237/EVN-KH ngày 07/11/2017 đối với hồ sơ bổ sung dự án Nhà máy ĐMT KN Cam Lâm vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa.
EVN có đề nghị đối với dự án này: Có giải pháp tổng thể trong công tác Quy hoạch phát triển các nguồn ĐMT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để phù hợp với nhu cầu và cơ sở hạ tầng lưới điện, tránh gây áp lực quá lớn lên việc đầu tư hệ thống điện truyền tải và đảm bảo hiệu quả chung của toàn xã hội.
Sau khi chủ đầu tư, công ty tư vấn hiệu chỉnh hồ sơ gửi Cục Điện lực và NLTT thẩm định, nhưng Cục Điện lực và NLTT đã không lấy lại ý kiến của EVN về phương án đấu nối trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt, đến thời điểm kiểm tra, dự án vẫn chưa chuyển về phương án đấu nối chính. Trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương, Cục Điện lực và NLTT.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ: “Việc Sở Tài chính đánh giá nguồn vốn chủ sở hữu chỉ dựa trên cam kết góp vốn của nhà đầu tư, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định 792/QĐ-UBND ngày 23/3/2018 chấp thuận nhà đầu tư Công ty TNHH Điện Mặt trời KN Cam Lâm thực hiện dự án Nhà máy ĐMT KN Cam Lâm là thực hiện không đúng khoản 3 Điều 10 Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 của Bộ Công Thương. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở ngành có liên quan”.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Khánh Hòa chưa hoàn thành việc xử lý khoản ngân sách nhà nước đã chi giải phóng mặt bằng thuộc dự án Hồ chứa nước Tà Rục trước đây với tổng số tiền 77,8 tỷ đồng (theo báo cáo của UBND huyện Cam Lâm), sau đó UBND tỉnh đã thu hồi đất cho Công ty Cổ phần điện mặt trời KN Cam Lâm thuê đất để thực hiện dự án Nhà máy ĐMT KN Cam Lâm và cho Công ty Cổ phần Cam Lâm Solar thuê đất để thực hiện dự án Nhà máy ĐMT Cam Lâm VN theo ý kiến của Bộ Tài chính tại văn bản số 997/BTC-QLCS ngày 28/1/2022.
Về việc này, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 592/TB-UBND ngày 26/12/2022 kết luận, chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với sở ngành để xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án thuê đất tại bãi vật liệu phục vụ thi công Hồ chứa nước Tà Rục theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính và quy định của pháp luật. Trách nhiệm đối với khuyết điểm nêu trên thuộc về UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở ngành có liên quan.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện các biện pháp xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân thuộc Bộ Công Thương và UBND tỉnh Khánh Hòa.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương khắc phục khuyết điểm, vi phạm theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề kinh tế, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa rà soát, xử lý đối với các khoản ngân sách nhà nước đã chi cho việc giải phóng mặt bằng thuộc dự án Hồ chứa nước Tà Rục với tổng số tiền 77,8 tỷ đồng (tạm tính). Sau đó, tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi đất cho Công ty Cổ phần điện mặt trời KN Cam Lâm thuê đất để thực hiện dự án Nhà máy ĐMT KN Cam Lâm, cho Công ty cổ phần Cam Lâm Solar thuê đất để thực hiện dự án Nhà máy ĐMT Cam Lâm VN theo đúng ý kiến của Bộ Tài chính tại văn bản số 997/BTC-QLCS ngày 28/1/2022.
Theo tìm hiểu của PV, chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời KN Cam Lâm là Công ty Cổ phần điện mặt trời KN Cam Lâm (KN CAM LAM JSC) có trụ sở tại Bãi Dài, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Doanh nghiệp này có MST là 4201739038, được thành lập ngày 28/4/2017 và ngày thay đổi thông tin gần nhất là ngày 27/12/2023. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là bà Lê Nữ Thùy Dương (TP. Thủ Đức, TP.HCM) và ông Trần Quốc Thanh giữ chức vụ giám đốc.
Ngành nghề kinh doanh chính của KN CAM LAM JSC là: Sản xuất điện, Truyền tải và phân phối điện, Lắp đặt hệ thống điện, Sửa chữa thiết bị điện, Lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp (Lắp đặt thiết bị sử dụng điện năng lượng mặt trời…).
Ngoài ra bà Lê Nữ Thùy Dương còn làm đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Cam Lâm Solar (CAM LAM SOLAR JSC) và ông Trần Quốc Thanh giữ chức vụ giám đốc. Doanh nghiệp này có địa chỉ trụ sở trùng với KN CAM LAM JSC và là chủ đầu tư dự án Nhà máy ĐMT Cam Lâm VN; có MST là 4201749276, được thành lập ngày 04/7/2017 và ngày thay đổi thông tin gần nhất là ngày 27/12/2023.
Hai dự án nhà máy điện mặt trời nêu trên tọa lạc tại xã Cam An Bắc, Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, có tổng công suất 100 MW, tổng mức đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng.
Vào năm 2019, Hanwha Energy Corporation Singapore Pte Ltd (Hanwha Energy), thành viên của Hanwha Group đã mua 70% cổ phần của cả hai doanh nghiệp dự án, trong khi nhóm cổ đông của doanh nhân Lê Văn Kiểm nắm 30% còn lại.
Được biết thêm, KN CAM LAM JSC và CAM LAM SOLAR JSC thuộc hệ sinh thái KN Investmets Group - tập đoàn của gia đình doanh nhân Lê Văn Kiểm, trong đó Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành (Golf Long Thành) đóng vai trò hạt nhân trong hệ sinh thái này.
Golf Long Thành là chủ đầu tư một số dự án trọng điểm của KN Investment Group, như: Khu đô thị, sân golf, thể thao và du lịch sinh thái Long Thành có quy mô hơn 334 ha (Đồng Nai)… Ngoài ra, Golf Long Thành cũng là chủ đầu tư dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise với quy mô khoảng 795 ha. Trong những năm gần đây, KN Investment Group còn lấn sân sang lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cụ thể, vào năm 2017, một thành viên trong hệ sinh thái là Công ty TNHH KN Cam Ranh góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển điện mặt trời KN Vạn Ninh.
Ông Lê Văn Kiểm và bà Lê Nữ Thùy Dương (cha, con) từng liên đến dự án Khu dân cư thương mại Phước Thái (dự án KDC Phước Thái) tại phường Tam Phước, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nam. Dự án này do Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Phước Thái làm chủ đầu tư và ông Trương Quốc Tuấn (sinh năm 1975) là Tổng giám đốc doanh nghiệp này.
Liên quan đến sai phạm tại dự án, ngày 31/8/2023, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên án ông Tuấn với mức án 14 năm tù, và nhiều bị cáo khác là cựu cán bộ ở Đồng Nai với mức án từ 4-10 năm tù vì gây thiệt hại cho nhà nước số tiền gần 79 tỷ đồng tại dự án này.
Trong vụ án trên, kết luận của VKSND tỉnh Đồng Nai nêu rõ: Việc ông Kiểm, bà Dương ký các tài liệu do Tuấn (từng là Trợ lý Tổng giám đốc Công ty Huy Hoàng từ năm 2003-2013) đưa có liên quan đến Nguyễn Hữu Thành là do tin tưởng Tuấn để Tuấn hoàn tất các thủ tục pháp lý dự án có liên quan đến hợp đồng số 10. Ông Kiểm, bà Dương (đại diện Công ty Huy Hoàng) không hưởng lợi từ việc Tuấn lập khống hồ sơ để Nguyễn Hữu Thành là chủ sử dụng đất... Do đó, hành vi của ông Lê Văn Kiểm và bà Lê Nữ Thùy Dương không là đồng phạm với Trương Quốc Tuấn trong vụ án, nên không có căn cứ để xử lý hình sự.
Trần Lân