Tại phiên họp thường niên năm 2018, trước bức xúc của cổ đông về việc tại sao không chia cổ tức, trong khi Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát năm 2017 vẫn được hưởng thù lao và cán bộ công nhân viên được trích thưởng 20% phần vượt lợi nhuận, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank khi đó khẳng định, nếu sau 5 năm không tái cơ cấu xong, ông sẽ rời Sacombank.
Đến phiên họp thường niên năm 2024 - hết thời hạn 5 năm (2018 - 2023) như lời hứa của ông chủ họ Dương, Sacombank vẫn chưa trình nội dung chia cổ tức. Sự bức xúc của cổ đông lên cao khi lời hứa của ông chủ họ Dương được nhắc lại.
"Triều đại Dương Công Minh" tại Sacombank liệu có kết thúc?
Ông chủ họ Dương bước vào ngân hàng này từ năm 2017, trong bối cảnh Sacombank đang trong giai đoạn khủng hoảng, cả về nhân sự và hoạt động.
Hai năm 2015 và 2016, Sacombank ghi nhận lãi ròng giảm mạnh. Năm 2016, nhà băng này báo lãi chỉ hơn 80 tỷ đồng, so với mức gần 700 tỷ năm 2015 và mức trung bình trên 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2013 - 2014. Thời điểm ông Dương Công Minh xuất hiện tại Sacombank, ông Trầm Bê bị bắt tạm giam, khởi tố với hành vi "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng".
Phát biểu sau khi đắc cử "ghế nóng" Sacombank, ông Dương Công Minh cho biết, việc sáp nhập vào Phương Nam đã khiến ngân hàng có một số khó khăn. Đề án xác định là tái cấu trúc trong 10 năm, nhưng Hội đồng quản trị mới đã thống nhất là sẽ giải quyết trong vòng 5 năm. Khi đó, ông Minh hứa sẽ sớm hoàn thành đề án, đưa Sacombank trở thành ngân hàng lớn nhất, hiệu quả nhất thị trường và ông sẽ rời khỏi ngân hàng nếu không hoàn thành mục tiêu này.
Nhưng, lời hứa của ông chủ họ Dương dường như không thuyết phục được những cổ đông ngân hàng này. Liên tiếp những năm sau đó, chưa năm nào Đại hội đồng cổ đông thường niên của Sacombank "lặng sóng". Cổ tức, lương thưởng của lãnh đạo ngân hàng, nợ xấu, cơ cấu tài sản đảm bảo các khoản nợ của nhóm Trầm Bê tiếp tục làm nóng các phiên họp.
Ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank. Ảnh: STB
Năm 2024, đến hạn trong lời hứa trước đó của ông Minh, Sacombank vẫn chưa chia cổ tức. Lãnh đạo ngân hàng cho biết đang thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, còn vướng mắc cuối cùng liên quan đến phương án xử lý cổ phiếu ông Trầm Bê.Cổ đông dần mất kiên nhẫn trước lời hứa của người đứng đầu Hội đồng quản trị. Còn ông Minh thì liên tục khẳng định bản thân cũng là cổ đông lớn nhất của Sacombank nên "chính ông cũng mong được chia cổ tức", nhưng ngân hàng chưa được chấp thuận để làm điều này.
"Sacombank đã trình NHNN phương án chi tiết và đang chờ phê duyệt. Nguồn lực để chia cổ tức đã sẵn sàng với lợi nhuận chưa phân phối đã lên đến gần 18.400 tỷ đồng, tương đương gần 100% vốn điều lệ và sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới", CEO Nguyễn Đức Thạch Diễm nói với các cổ đông.
Tuy nhiên, nếu phương án này phê duyệt, tức làm hài lòng các cổ đông, việc ông chủ họ Dương còn ngồi ghế nóng tại Sacombank hay không vẫn là chuyện khó xác định. Bởi, 32,5% cổ phần do nhóm ông Trầm Bê nắm giữ có thể thay đổi đáng kể cục diện cơ cấu sở hữu tại nhà băng này, nếu bên mua không phải là "nhóm ủng hộ" ông chủ họ Dương.
Kinh doanh tăng, nhưng nợ xấu cũng tăng
Sự xuất hiện của ông Dương Công Minh dưới vai trò cao nhất tại Sacombank cũng tạo ra những sự thay đổi. Hoạt động kinh doanh của nhà băng này dần cải thiện trong những năm sau đó. Tuy nhiên, hai năm gần đây, sát "giờ G" thời điểm kết thúc tái cơ cấu theo kế hoạch của Hội đồng quản trị, nợ xấu của Sacombank lại có dấu hiệu tăng trở lại.
"Ngọn lửa" nợ xấu tại Sacombank có dấu hiệu nhen nhóm trở lại vào năm 2022, thời điểm mà thị trường đối mặt với khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản, tín dụng. Đến hết năm 2022, quy mô nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) tại nhà băng này tăng vọt gấp 4 lần so với đầu năm, lên gần 5.400 tỷ đồng. Nợ nhóm 2 chưa được tính là nợ xấu, nhưng cho thấy một bộ phận khách hàng có dấu hiệu chậm trả lãi.
Đến năm 2023, những món nợ cần chú ý này bắt đầu "xấu dần đi". Hết năm, quy mô nợ xấu (nợ nhóm 3-5) trong danh mục cho vay của Sacombank đều tăng vọt.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán của ngân hàng mẹ Sacombank, đến hết năm 2023, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng gần gấp ba lần, lên hơn 1.440 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) gấp hơn 6 lần so với đầu năm, còn nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng hơn gấp đôi.
Quy mô nợ xấu (nợ nhóm 3-5) của nhà băng này tăng từ 3.600 tỷ lên hơn 10.100 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,8 lên 2,14% - mức tăng đáng kể so với các ngân hàng trong nhóm cùng quy mô.
Đến hết quý I/2024, con số nợ xấu còn tiếp tục tăng và có phần "xấu" hơn. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của Sacombank đế cuối quý I là gần 5.800 tỷ đồng, tăng gần 1.300 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Bảo San