Mới đây, thị trường bất động sản “xôn xao” trước thông tin Công ty TNHH Sàn Giao dịch Bất động sản Hà Nội Anpha (Công ty Hà Nội Anpha) trở thành cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC) - chủ đầu tư dự án Cát Bà Amatina. Thương vụ thành công này đã giúp Hà Nội Anpha “thâu tóm” thành công dự án Cát Bà Amatina.
Phối cảnh dự án Cát Bà Amatina. Ảnh: Vinaconex
Theo đó, Hà Nội Anpha thông báo đã mua hơn 48,4 triệu cổ phiếu vào ngày 3/7, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên hơn 48,4 triệu cổ phiếu, chiếm 23,06% vốn tại Vinaconex ITC và trở thành cổ đông lớn. Tổng giá trị thương vụ là 2.402 tỷ đồng, tương ứng mức giá 49.600 đồng/CP.
Thua lỗ “thê thảm”
Sau thương vụ này, Hà Nội Anpha được tin là “lắm tiền nhiều của”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Hà Nội Anpha có bức tranh tài chính tăm tối khi lỗ thê thảm, nợ chồng chất.
Cụ thể, trong năm 2023 và 2024, Hà Nội Anpha đều không phát sinh doanh thu. Chi phí bán hàng cũng là 0 đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp rất khiêm tốn, chỉ đạt 9,2 triệu đồng (năm 2024), tăng nhẹ so với con số 6,4 triệu đồng trong năm 2023.
Tuy nhiên, chi phí tài chính mà cụ thể là chi phí lãi vay lại là con số “khổng lồ”, lên đến 154 tỷ đồng. Năm 2023, con số này thậm chí còn lớn hơn rất nhiều khi đạt 313 tỷ đồng. Kết quả là năm 2024 và năm 2023, Hà Nội Anpha lần lượt lỗ 147 và 308 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2024, Hà Nội Anpha gánh lỗ lũy kế 594 tỷ đồng. Kết quả là có vốn góp chủ sở hữu lên đến 1.057 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của công ty hao hụt nhiều, chỉ còn 463 tỷ đồng.
Nợ "chồng chất", chỉ có 174 triệu đồng
Lỗ “thê thảm” tới mức “bay” nửa già vốn góp chủ sở hữu chưa phải là vấn đề duy nhất của Hà Nội Anpha. Bởi, bên cạnh thua lỗ thì công ty này còn đang “gánh” một khoản nợ “khổng lồ”.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2024, nợ phải trả của Hà Nội Anpha rất cao, đạt 1.951 tỷ đồng, cao gấp 4,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 80,8% tổng nguồn vốn. Trong tổng nợ, vay và nợ thuê tài chính là con số “khổng lồ” khi đạt 1.434 tỷ đồng, cao gấp 3,1 lần vốn chủ sở hữu.
Mặc dù, Hà Nội Anpha nợ vay nhiều nhưng dòng tiền chủ yếu lại được mang đi đầu tư tài chính. Hồi cuối năm 2024, có tới 1.473 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, 756 tỷ đồng phải thu nội bộ ngắn hạn. Đáng chú ý, dù phải dành gần 200 tỷ đồng để trả lãi vay cho các khoản vay lớn nhưng Hà Nội Anpha lại mang 167 tỷ đồng cho vay ngắn hạn.
Kết quả là tiền mặt của công ty vô cùng khiêm tốn. Hồi cuối năm 2024, chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền của công ty chỉ là 174 triệu đồng. Con số này hồi cuối năm 2023 thậm chí còn thấp hơn, khi chỉ là… 30 triệu đồng.
“Hé lộ” giới chủ phía sau Hà Nội Anpha
Công ty TNHH Sàn Giao dịch Bất động sản Hà Nội Anpha thành lập ngày 7/11/2014 với người đại diện pháp luật, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Vũ Đình Chiến.
Ban đầu, chủ doanh nghiệp của Hà Nội Anpha là Công ty Cổ phần Kinh doanh Quốc tế MIK. Sau đó, vào tháng 4/2016 chủ doanh nghiệp được chuyển sang ông Vũ Đình Chiến.
Từ tháng 12/2024, vốn điều lệ công ty tăng lên 1.057 tỷ đồng. Tính đến ngày 24/6/2025, ông Vũ Đình Chiến nắm 90,468% vốn và 2 cá nhân khác là Bùi Bích Hạnh và Nguyễn Thị Hoa đều sở hữu 4,766%.
Ngoài Hà Nội Anpha, ông Vũ Đình Chiến còn là người đại diện pháp luật của rất nhiều đơn vị khác, bao gồm Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Thịnh, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Địa ốc Mỹ Phú, Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường, Công ty TNHH Phát triển Delta Hà Nội.
Công ty TNHH Dịch vụ Phát triển Hưng Phú, Công ty TNHH Đầu tư Delta Hà Nội, Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ LTVN, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ ANC Sài Gòn, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Du lịch Biển Đông, Công ty TNHH Eurowindow Phú Quốc, Công ty cổ phần Bất động sản Vinalines Vĩnh Phúc.
Công ty Cổ phần Phát triển Kinh doanh Bất động sản SV Tây Hà Nội, Công ty Cổ phần Dịch vụ PTC Hà Nội, Công ty TNHH Phát triển Bất động sản SV Holding, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Địa ốc Mỹ Phú (NTNN), Công ty Cổ phần Sàn Giao dịch Bất động sản Hà Nội Anpha - Chi nhánh Hưng Yên, Công ty Cổ phần Bất động sản Vinalines Vĩnh Phúc - Chi nhánh Hưng Yên.
Bảo Bình