Theo đó, 4 dự án thuộc diện điều tra trong hệ sinh thái của TTC Group do ông Đặng Văn Thành làm Chủ tịch bao gồm: Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1; Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2; Nhà máy điện gió Ia Bang 1; Nhà máy điện gió VPL Bến Tre.
Trong đó, Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (100 MW) và Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 (50 MW) do Công ty cổ phần Năng lượng điện gió Tiền Giang làm chủ đầu tư.
Hai nhà máy còn lại là Nhà máy điện gió la Bang 1 (50 MW) và Nhà máy điện gió VPL Bến Tre (30 MW) do Công ty cổ phần Điện Gia Lai (HoSE: GEG) làm chủ đầu tư.
Công ty cổ phần Điện Gia Lai (Điện Gia Lai) là đơn vị chủ lực trong mảng năng lượng của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), sở hữu 14 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và điện gió được thành lập vào năm 1989. Sau nhiều lần tăng vốn, tại thời điểm năm 2023 vốn điều lệ của doanh nghiệp ở mức 4.054 tỉ đồng.
Hai dự án nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 và Tân Phú Đông 2 do Công ty cổ phần Năng lượng Điện gió Tiền Giang đầu tư cũng là công ty con của Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEG).
Theo giới thiệu, GEG được thành lập vào tháng 10/2018, là đơn vị chủ lực trong mảng năng lượng của TTC Group. Về cơ cấu cổ đông, doanh nghiệp này hiện do Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công nắm 14,13% vốn, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã chứng khoán: SBT) nắm 9,24% vốn, Công ty cổ Phần Xuất Nhập Khẩu Bến Tre (HoSE: ABT) nắm giữ 5,32% vốn. Công ty cổ phần Khu công nghiệp Biên Hoà nắm 3,83% vốn…
Ngành nghề chính là sản xuất kinh doanh điện, đầu tư nhà máy điện mặt trời. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 1,7 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Hà Quốc Kiệt và Lê Chí Linh mỗi người nắm 5% vốn; Châu Tiểu Phụng nắm 90% vốn.
Năm 2019, Điện gió Tiền Giang tăng vốn điều lệ lên 200 tỉ đồng, đồng thời thay đổi cơ cấu cổ đông. Trong đó, Công ty cổ phần Điện Gia Lai nắm 9,15% vốn; Châu Tiểu Phụng nắm 72,68% vốn; Lê Chí Linh và Hà Quốc Kiệt mỗi người nắm 9,08% vốn.
Đến ngày 20/4/2021, Điện gió Tiền Giang tiếp tục tăng vốn điều lệ lên gấp gần 5 lần ở mức 890 tỉ đồng nhưng chỉ sau một tháng lại bất ngờ điều chỉnh giảm vốn xuống còn 490 tỉ đồng, cũng như không tiết lộ cơ cấu cổ đông.
Hoạt động kinh doanh của "vua mía đường" Đặng Văn Thành trước khi mạnh tay đầu tư dự án điện
Doanh nhân Đặng Văn Thành thường được biết đến với tên gọi "vua mía đường".
Về lịch sử kinh doanh của ông Đặng Văn Thành, sau khi rời ghế lãnh đạo Sacombank, gia đình ông hoạt động chủ yếu trong mảng mía đường và bất động sản. Trong đó, TTC Group sở hữu một số công ty mía đường lớn như Thành Thành Công Tây Ninh (tên cũ là Bourbon Tây Ninh), đường Ninh Hòa, Thương mại Thành Thành Công (kinh doanh đường) và 11% vốn tại Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal (sau này đổi tên là TTC Land).
Sau đó, "vua mía đường" cùng vợ là bà Huỳnh Bích Ngọc và các con gồm Đặng Huỳnh Ức My, Đặng Hồng Anh mở rộng hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực khác như năng lượng, du lịch và giáo dục.
Phải đến năm 2017, TTC Group mới đầu tư mạnh vào mảng năng lượng. Tập đoàn này công bố sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ USD để xây dựng và vận hành 20 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam. Đến nay, TTC đa dạng các loại hình, trong đó điện mặt trời chiếm tới 57% danh mục dự án, còn lại là điện gió (18%), thủy điện (15%), nhiệt điện (10%). Công ty cổ phần Điện Gia Lai là đơn vị chủ lực trong mảng năng lượng của TTC, sở hữu 14 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và điện gió.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính, nửa đầu năm 2024, GEG ghi nhận doanh thu đạt 1.127 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 128 tỉ đồng, lần lượt gần 10% và 15% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo báo cáo tài chính quý II/2024, tại ngày 30/6/2024, Công ty cổ phần điện Gia Lai (GEG) đang có dư nợ vay dài hạn lên tới 7.164 tỉ đồng tại Vietcombank. Đáng chú ý, Vietcombank còn ghi nhận dư nợ khoảng hơn 4.200 tỉ đồng tại hai dự án điện gió Tân Phú Đông 1 và Tân Phú Đông 2. Còn tại dự án Điện gió Ia Bang 1 và Điện gió VPL Bến Tre, GEG cũng còn dư nợ vay dài hạn tại Vietcombank với giá trị hơn 2.000 tỉ đồng.
Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố. Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Để phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp các thông tin, tài liệu, liên quan đến 32 dự án gồm 8 dự án mặt trời và 24 dự án điện gió.
Các nhà máy điện mặt trời gồm: Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam; Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Bắc; Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 19; Nhà máy điện mặt trời Long Thành 1; Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân Solar; Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Thuận Bắc; Nhà máy điện mặt trời CMX Renewable Enery Việt Nam; Nhà máy điện mặt trời BMT; Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1; Nhà máy điện mặt trời Sông Giang.
Các dự án điện gió: Nhà máy điện gió số 5 Thạnh Hải; Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1; Nhà máy điện gió Ea Nam Đắk Lắk; Nhà máy điện gió Viên An; Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1; Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2; Nhà máy điện gió Tài Tâm; Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai; Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng; Nhà máy điện gió BIM; Nhà máy điện gió Cửu An; Nhà máy điện gió Hàm Cường 2; Nhà máy điện gió Ia Le 1; Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh; Nhà máy điện gió Lợi Hải 2; Nhà máy điện gió Đông Hải 1; Nhà máy điện gió Ia Bang 1; Nhà máy điện gió VPL Bến Tre; Nhà máy điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2; Nhà máy điện gió Hướng Linh 1; Nhà máy điện gió Hướng Linh 2; Nhà máy điện gió Hòa Bình 1.
PV