Mới trúng gói thầu gần 600 tỷ đồng
Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu EPC-04: Tư vấn thiết kế bản vẽ thi công, cung cấp, lắp đặt thiết bị và thi công xây dựng hạng mục khu xử lý nước sạch, thuộc dự án Đầu tư hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, giai đoạn II, nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm.
Nhà thầu trúng thầu là Công ty cổ phần Xây dựng số 5 (CTCP Xây dựng số 5) với giá trúng thầu 590,214 tỷ đồng; giá gói thầu 595,734 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 300 ngày, loại hợp đồng trọn gói.
Theo dữ liệu của VietnamFinance, Xây dựng số 5 là một trong những nhà thầu có tiếng khi từng thi công nhiều công trình cung cấp, lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước trên cả nước.
Thống kê sơ bộ cho thấy, Xây dựng số 5 đã tham gia đấu và trúng ít nhất 50 gói thầu, tổng giá trị trúng thầu hơn 12.445,7 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập hơn 1.180,3 tỷ đồng và tổng giá trị các gói thầu đã tham gia và trúng thầu với vai trò liên danh hơn 11.265,3 tỷ đồng.
Gần đây nhất, vào tháng 4/2024, Xây dựng số 5 là nhà thầu duy nhất tham gia và trúng Gói thầu: Thi công xây dựng tòa nhà giảng đường và cung cấp lắp đặt thiết bị cho công trình, với giá trúng thầu hơn 80,75 tỷ đồng, giá gói thầu hơn 80,84 tỷ đồng.
Trước đó, ngay đầu năm 2024, Xây dựng số 5 cũng dễ dàng giành được Gói thầu: Thi công xây lắp và cung cấp lắp đặt thiết bị do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Gò Vấp làm chủ đầu tư, với giá trúng thầu hơn 13,67 tỷ đồng; giá dự toán hơn 13,96 tỷ đồng.
Trước đó, CTCP Xây dựng số 5 từng trúng nhiều gói thầu thi công trình cung cấp, lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước như: Gói thầu xây dựng Chỉnh trang khuôn viên di tích văn hóa Dinh Tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành (cũ) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư (giá trúng thầu hơn 14,47 tỷ đồng; giá dự toán hơn 14,87 tỷ đồng).
Tiếp đó là Gói thầu: Xây lắp công trình Tuyến ống thu gom nước thải dọc đường Trần Hưng Đạo nối dài, đoạn từ cầu Tuyên Sơn đến Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư (CTCP Xây dựng số 5 trong vai trò liên danh đã trúng thầu với giá hơn 96,15 tỷ đồng; giá dự toán hơn 96,54 tỷ đồng).
CTCP Xây dựng số 5 cũng được lựa chọn là nhà thầu trúng thầu tại Gói thầu: Cung cấp vật tư và thi công xây dựng do Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn – TNHH MTV làm chủ đầu tư, với giá trúng thầu hơn 754,3 tỷ đồng (giá gói thầu 762,1 tỷ đồng); hay Gói thầu ĐHXL/01: Thi công xây dựng, mua sắm và lắp đặt thiết bị, vận hành chạy thử công trình do Ban quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư (giá trúng thầu hơn 89,56 tỷ đồng; giá dự toán hơn 90,18 tỷ đồng).
Một trong những gói thầu gây chú ý của CTCP Xây dựng số 5 khi được UBND thành phố Hải Dương “chọn mặt gửi vàng” tại Gói thầu HD-PW-05: Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải + thiết bị (giá trúng thầu hơn 305,99 tỷ đồng). Đáng chú ý, tại thời điểm mở thầu có 4 nhà thầu tham dự và CTCP Xây dựng số 5 vượt qua các đối thủ để giành được gói thầu “khủng” này với giá dự thầu cao hơn.
“Ông lớn" đấu thầu ngành nước đang kinh doanh ra sao?
CTCP Xây dựng số 5 có địa chỉ tại số 137 Lê Quang Định, phường 14, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Đình Dũng.
Tiền thân của công ty là Xí nghiệp xây dựng số 5 trực thuộc Tổng công ty xây dựng số 1 – Bộ xây dựng được thành lập năm 1984, đến năm 1990 đổi tên thành Công ty xây dựng số 5. Năm 2004, công ty thực hiện cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty cổ phần Xây dựng số 5.
CTCP Xây dựng số 5 được biết tới là một trong những “ông lớn” trong lĩnh vực ngành nước khi trúng nhiều gói thầu “khủng” có trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn hoạt động thành công trên nhiều lĩnh vực khác như: đầu tư, kinh doanh địa ốc, cho thuê thiết bị, kinh doanh mua bán vật liệu xây dựng và cho thuê mặt bằng.
Theo số liệu báo cáo tài chính của CTCP Xây dựng số 5, giai đoạn 2021 -2023, doanh thu của công ty tăng mạnh trong năm 2022 và chững lại vào năm 2023.
Cụ thể, năm 2021 doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty ghi nhận hơn 1.729 tỷ đồng; sang năm 2022 tăng mạnh lên 2.609,2 tỷ đồng, tăng hơn 880 tỷ đồng, tương đương mức tăng gần 51% so với năm trước đó. Năm 2023, doanh thu của công ty giảm nhẹ về mức 2.607,7 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp của công ty trong giai đoạn 2021 – 2023 có nhiều biến động. Cụ thể, năm 2021 đạt 83,7 tỷ đồng; sang năm 2022 sụt giảm về mức 69 tỷ đồng và năm 2023 tăng vọt lên 103,2 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm trước đó.
Trong giai đoạn 2021 -2023, lợi nhuận sau thuế của CTCP Xây dựng số 5 ghi nhận mức tăng mạnh nhất vào năm 2023 đạt 36,4 tỷ đồng, tăng gần 62% so với năm trước đó. Năm 2022, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 22,5 tỷ đồng; trong khi năm 2021 đạt hơn 33,9 tỷ đồng.
Với việc liên tục trúng các gói thầu có giá trị lớn, không bất ngờ khi CTCP Xây dựng số 5 có quy mô khá lớn. Tổng tài sản của công ty này lên đến hàng nghìn tỷ đồng và liên tục tăng qua từng năm.
Từ con số 2.394,9 tỷ đồng cuối năm 2021, tổng tài sản của CTCP Xây dựng số 5 đã tăng lên con số 2.412,1 tỷ đồng vào năm 2022 và năm 2023 tăng lên hơn 2.539,9 tỷ đồng.
Nợ phải trả của CTCP Xây dựng số 5 liên tục gia tăng trong giai đoạn 2021 – 2023. Cụ thể, năm 2021 nợ phải trả của công ty là 2.046,5 tỷ đồng; năm 2022 lên mức 2.075 tỷ đồng và sang năm 2023 tăng vọt lên 2.184,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nợ phải trả của công ty tập trung ở nợ ngắn hạn, với các con số tương ứng lần lượt là: 2.012,1 tỷ đồng; 2.040,7 tỷ đồng và 2.151,9 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021 -2023, vay và nợ thuê tài chính của CTCP Xây dựng số 5 liên tục gia tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2021 ghi nhận hơn 483,6 tỷ đồng; năm 2022 lên 601,7 tỷ đồng và năm 2023 lên 740,5 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 năm vay và nợ thuê tài tăng 1,53 lần.
Trong giai đoạn 2021- 2023, vốn chủ sở hữu của công ty tăng giảm thất thường qua từng năm. Cụ thể, năm 2021 là 348,4 tỷ đồng; sang năm 2022 giảm về mức 337,1 tỷ đồng và năm 2023 tăng lên 355,1 tỷ đồng.
Như vậy, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (D/E) của CTCP Xây dựng số 5 lần lượt là: 5,87 lần; 6,15 lần và 6,15 lần. Theo lý thuyết, tỷ lệ D/E cao cho thấy doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.
Nếu D/E liên tục cao trong một thời gian dài cho thấy khả năng trả nợ của doanh nghiệp khó khăn. Tuy nhiên, tỷ lệ D/E trong ngành xây dựng thường có xu hướng cao, khi phải đầu tư nguồn vốn ban đầu lớn để mua vật tư xây dựng, trang thiết bị làm việc, tiền thuê nhân công,…
Mặc dù liên tục góp mặt trong nhiều gói thầu có trị giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng công ty cũng nhiều lần sử dụng hợp đồng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại các ngân hàng.
Đơn cử, tại ngày 11/1/2023, CTCP Xây dựng số 5 đã ký hợp đồng cấp tín dụng hạn mức số 760660323 với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam – chi nhánh Sài Gòn. Khoản vay được đảm bảo bằng khoản phải thu và quyền đòi nợ hình thành từ các hợp đồng thi công.
Tại ngày 31/12/2023, công ty cũng ký hợp đồng vay hạn mức 1.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – chi nhánh 3, với thời hạn 12 tháng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay bao gồm thế chấp tài sản gắn liền với đất và các hợp đồng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng thi công.
Minh Đức