Vốn nhà nước "bốc hơi"
Như Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã đăng tải trong bài viết “Đường đi của ” ngày 25/4/2024 đưa thông tin, ngày 10/6/2002, Phó chủ tịch UBND TP Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản số 2158/UB.VP gửi Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với nội dung cho phép Công ty Du lịch tỉnh được góp vốn thành lập Công ty TNHH Điều dưỡng du lịch Vũng Tàu bằng lô đất tại số 165 Thuỳ Vân.
Và đây là đất của nhà nước giao công ty quản lý, sử dụng có trách nhiệm nộp tiền thuê đất. Công văn cũng yêu cầu doanh nghiệp xác định rõ tiền thuê đất phải nộp thuộc trách nhiệp của Công ty Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hay Công ty TNHH Điều dưỡng du lịch Vũng Tàu phải nộp.
Tới ngày 12/8/2003, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản số 7525/QĐ-UB về việc Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 8.189,2 m2 đất tại số 165 Thuỳ Vân cho Công ty TNHH Điều dưỡng du lịch Vũng Tàu để xây dựng Khu điều dưỡng du lịch Vũng Tàu trong thời gian 50 năm kể từ ngày 30/6/2003.
Tới ngày 7/5/2004, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản về việc doanh nghiệp phải đóng số tiền là 2.202.205.736 đồng tiền thuê đất phải nộp một lần cho 50 năm. Ngày 12/5/2003, Công ty TNHH Điều dưỡng du lịch Vũng Tàu đã nộp đủ số tiền trên vào Kho bạc nhà Nước.
Như vậy, có thể thấy rõ, lô đất 165 Thuỳ Vân thuộc vốn doanh nghiệp nhà nước góp để thành Công ty TNHH Điều dưỡng du lịch Vũng Tàu. Thế nhưng, sau khi phía Công ty Điều dưỡng du lịch Vũng Tàu cầm cố tài sản và đất cho Ngân hàng Phương Nam và các bản thông báo phát mãi tài sản cũng như hòa giải và đấu giá đất lại không nhắc gì tới người đại diện vốn nhà nước ở khu đất này.
Cụ thể, ông Lô Chiu Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Điều dưỡng du lịch Vũng tàu cho rằng, tại vụ khởi kiện mà Ngân hàng Phương Nam với doanh nghiệp thì thẩm phán đã xác định không đúng, không đủ, xác định sai tư cách người tham gia tố tụng trong giải quyết vụ án dân sự. Cụ thể là, giao dịch thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên, nhưng không có ý kiến của Hội đồng thành viên, trong đó có thành viên là ông Trần Tuấn Việt, đại diện phần vốn nhà nước của Công ty cổ phần Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đặc biệt, trong biên bản hòa giải ngày 2/8/2013, do Toà án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng ra hòa giải giữa Ngân hàng Phương Nam và Công ty TNHH Điều dưỡng du lịch Vũng Tàu về vụ kiện của Ngân hàng Phương Nam, chỉ có một người đại diện cho Công ty tham dự là bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch Hội đồng thành viên, nhưng bà Mai lại không có giấy uỷ quyền của Hội đồng thành viên và bà Mai đã không còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên từ ngày 22/4/2013, nên việc mời bà Mai dự hoà giải khi bà không còn giữ chức vụ như thư mời thì biên bản hòa giải là sai thẩm quyền và không có giá trị đại diện cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong văn bản hoà giải này ghi rõ, bà Mai có ý kiến rằng, "Trong trường hợp Công ty TNHH Điều dưỡng du lịch Vũng Tàu không có khả năng thanh toán nợ thì Công ty đồng ý giao tài sản thế chấp cho cơ quan Thi hành án phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho phía ngân hàng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất 8.189.2 m2 và quyền sở hữu công trình xây dựng toạ lạc tại địa chỉ 165 Thuỳ Vân theo hợp đồng thế chấp số 008/05/11TC/HĐTC ngày 9/5/2011 và bà Mai xin thời gian thanh toán nợ trong 3 tháng kể từ ngày hoà giải".
Cũng chính vì bà Mai không còn đại diện pháp luật cho Công ty TNHH Điều dưỡng du lịch Vũng Tàu lại tự ý cam kết như trên, nên vốn nhà nước tại dự án này đã "bốc hơi". Và sau đó, ngày 15/12/2016, người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty TNHH Điều dưỡng du lịch Vũng Tàu là ông Trần Tuấn Việt đã đâm đơn khởi kiện bà Mai. Trong đơn khởi kiện, ông Việt cho biết mình là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là người đại diện phần vốn góp tại Công ty TNHH Điều dưỡng du lịch Vũng Tàu.
"Trong quá trình bà Mai không còn là người đại diện phát luật của công ty, nhưng bà Mai vẫn tiếp tục tự ý ký kết các văn bản vượt quá thẩm quyền như hành vi ký kết biên bản hoà giải theo Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự số 53/2013/QĐST-KDTM ngày 12/8/2013, dẫn đến việc thi hành Quyết định nêu trên gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ty chúng tôi. Việc bà Mai tham gia tố tụng trước Toà án Nhân dân TP. Vũng Tàu với tư cách là đại diện bị đơn khi chưa được Hội đồng thành viên Công ty TNHH Điều dưỡng du lich Vũng Tàu phê duyệt là vượt quá thẩm quyền vì đã vi phạm Điều 47 Luật doanh nghiệp...".
Lộ rõ những dấu hiệu sai phạm
Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM), sau khi trúng đấu giá, tháng 6/2016, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có quyết định thu hồi toàn bộ diện tích gần 8.200 m2 đất tại số 165 Thùy Vân, phường Thắng Tam và cho Công ty cổ phần Tổng hợpThế Giới Xanh thuê đất để thực hiện dự án. Sau khi ký hợp đồng thuê đất với cơ quan nhà nước, Công ty cổ phần Tổng hợp Thế Giới Xanh đề nghị thực hiện dự án Khách sạn - căn hộ du lịch 5 sao Fivestar và được UBND tỉnh chấp thuận.
“Quay trở ngược lại quá trình góp vốn của Công ty Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bằng tài sản hiện hữu trên khu đất Hotex là 2,179 tỷ đồng vào năm 2002, như vậy, không góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong khi đó, năm 2004 thì chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang nộp một lần cho 50 năm là 2.202.205.736 đồng. Việc thay đổi hình thức nộp tiền thuê đất này đã biến Công ty TNHH Điều dưỡng du lịch Vũng Tàu bỗng nhiên trở thành người sử dụng đất, đã xóa bỏ nguồn gốc đất của nhà nước. Trong khi đó, việc góp tài sản trên khu đất thì việc sử dụng đất được xác định theo tài sản, nếu tài sản còn thì tiếp tục sử dụng đất, nếu tài sản không còn hoặc hết thời hạn góp vốn thì phải trả đất về cho Công ty Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”, luật sư Phượng phân tích.
Cũng theo vị luật sư này, từ việc hiểu sai trên nên khi Chi cục Thi hành án dân sự TP.Vũng Tàu kê biên và đưa ra đấu giá cả quyền sử dụng đất (được xác định là tài sản của Công ty TNHH Điều dưỡng du lịch Vũng Tàu) là sai quy định pháp luật, khi xác định tài sản đưa ra đấu giá đã bỏ qua đến nguồn gốc đất của khu này. Từ việc đấu giá thành công mà quyền sử dụng đất của Công ty cổ phần Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bỗng nhiên bị mất mà không hiểu lý do từ đâu.
Và thể hiện rõ hơn là sau khi trúng đấu giá, năm 2016, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi toàn bộ diện tích gần 8.200 m2 đất tại số 165 Thùy Vân, phường Thắng Tam và cho Công ty cổ phần Tổng hợp Thế Giới Xanh thuê đất là hoàn toàn không đúng với chế độ quyền sử dụng đất được mang ra đấu giá và chế độ góp vốn không gồm quyền sử dụng đất của Công ty TNHH Điều dưỡng du lịch Vũng Tàu.
Đối với vụ án giải quyết tại Tòa, với giá trị tranh chấp hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Phương Nam thì thẩm quyền giao dịch thuộc Hội đồng thành viên và cần có ý kiến của Hội đồng thành viên ngoài việc người đại diện theo pháp luật (tùy theo Điều lệ Công ty quy định là Giám đốc hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên) làm việc với Tòa án. Do đó, với những thông tin sự thỏa thuận nhưng không đúng người đại diện của Công ty TNHH Điều dưỡng du lịch Vũng Tàu, số nợ, việc tính lãi..., nếu còn số nợ và hợp đồng tín dụng còn hiệu lực thì vẫn có thể khởi kiện giải quyết tranh chấp đối với số công nợ hiện nay.
“Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc này là việc thất thoát quyền sử dụng đất, các cơ quan nhà nước tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần xem xét và hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không phải là tài sản của Công ty TNHH Điều dưỡng du lịch Vũng Tàu và việc cho thuê đất của Công ty cổ phần Tổng hợpThế Giới Xanh”, luật sư Phượng nêu ý kiến.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, sau khi bài viết “Đường đi của lô đất 165 Thuỳ Vân TP.Vũng Tàu”, lãnh đạo Sở Tài chính Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chỉ đạo cho các đơn vị liên quan tìm hiểu việc thất toát vốn nhà nước tại Công ty TNHH điều dưỡng du lịch Vũng Tàu.
Gia Huy