Cụ thể, sau kiểm toán, lãi ròng của VietJet Air đạt 137 tỷ đồng, thấp hơn 65% so với báo cáo tài chính tự lập trước đó và giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân mà hãng hàng không này đưa ra là do tăng thêm chi phí marketing và quảng cáo để mở rộng các đường bay quốc tế và hoãn ghi nhận một doanh thu thương mại tài chính tàu bay.
Đối chiếu báo cáo tài chính trước và sau soát xét, doanh thu thuần của VietJet chỉ giảm 1%, đạt 29.503 tỷ đồng. Trong khi đó, biến động lớn nhất thuộc về doanh thu hoạt động tài chính, khi ghi nhận mức tăng 46%, lên gần 703 tỷ đồng. Một chỉ tiêu khác cũng chứng kiến thay đổi lớn là chi phí tài chính với mức tăng gần 16%, từ 897 tỷ đồng lên 1.038 tỷ đồng. Thêm vào đó, chi phí khác cũng tới 75%, lên mức 17,5 tỷ đồng.
Mặc dù lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2023 sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng nhìn chung, kết quả hoạt động kinh doanh của VietJet vẫn khá tươi sáng. So với mục tiêu năm 2023 là thu về 50.178 tỷ đồng doanh thu và 1.000 tỷ đồng lãi sau thuế, kết thúc nửa đầu năm, hãng hàng không này đã thực hiện được gần 59% chỉ tiêu doanh thu và 13,7% chỉ tiêu lợi nhuận.
Theo giải trình từ phía VietJet, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải hàng không và hợp nhất đạt lần lượt 25,1 nghìn tỷ đồng và 29,5 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 69% và 85% so với cùng kỳ năm 2022. Thêm vào đó, mảng doanh thu phụ trợ cũng duy trì mức tăng trưởng cao, đạt gần 9.000 tỷ đồng, gấp hai lần cùng kỳ và đóng góp 40% tổng doanh thu.
Cũng theo phía VietJet, sự biến động tích cực đó là do trong 6 tháng đầu năm 2023, hãng hàng không này đã khai thác được 65,9 nghìn chuyến bay và vận chuyển 12,1 triệu lượt hành khách, tăng 26% và 30% so với cùng kỳ 2022. Số lượng khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 9 lần so với cùng kỳ và quay trở về cột mốc trước dịch Covid-19. Tổng sản lượng hàng hóa VietJet vận chuyển đạt 33 nghìn tấn, tăng gần 40% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, VietJet đã mở mới 11 đường bay quốc tế đến Úc, Indonesia, Ấn Độ, nâng tổng số đường bay tại thời điểm 30/06/2023 lên 120 đường bay (45 đường bay quốc nội, 75 đường bay quốc tế). Ngoài ra, hãng bay này cũng tích cực khôi phục và nối lại hơn 20 đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc.
VieJet cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc chi phí nhiên liệu bay được tối ưu nhờ vào đội tàu bay mới, việc giá nhiên liệu bay giảm hơn 20% từ đầu năm 2023 cũng là nhân tố giúp hãng bay này tiếp tục đạt kết quả lợi nhuận tích cực trong quý I/2023.
Theo bảng cân đối kế toán hợp nhất giữa niên độ sau kiểm toán, tại thời điểm cuối quý II/2023, tổng tài sản của VietJet đạt hơn 71.225 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với thời điểm cuối quý IV/2022. Trong đó, lượng tiền và các khoản tương đương tiền đạt 2.165 tỷ đồng, tăng 16,5%.
Tại thời điểm ngày 30/6/2023, tổng nợ phải trả của VietJet đạt gần 29.835 tỷ đồng, giảm nhẹ 2%. Trong đó, tổng nợ vay là 18.931 tỷ đồng, gồm 7.130 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 11.801 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Theo đó, chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu của VietJet được giữ ở mức 1,3 lần và chỉ số thanh khoản 1,5 lần, là mức tốt trong ngành hàng không.
Đáng chú ý, chiều 4/9, tại thủ đô Jakarta (Indonesia), VietJet Air đã công bố đường bay thẳng Hà Nội - Jakarta nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Indonesia dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43.
Đây là đường bay thẳng đầu tiên kết nối thủ đô Hà Nội với thủ đô Jakarta và cũng là đường bay thẳng thứ 4 đến với đảo quốc Indonesia của Vietjet. Trước đó, tháng 5, Vietjet cũng khai trương đường bay thẳng TP. Hồ Chí Minh - Jakarta.
Với 4 chuyến mỗi tuần giữa Hà Nội và Jakarta và 4,5 giờ bay mỗi chặng, VietJet đã nâng tổng số chuyến bay giữa 2 nước Việt Nam - Indonesia lên 92 chuyến bay mỗi tuần từ tháng 12 này.
Hà Lê