Nhìn lại quá trình tăng vốn của thương hiệu KEHIN Group”
Thương hiệu KEHIN Group thuộc Công ty cổ phần KEHIN tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Kết Hiền, được thành lập vào tháng 01/2005, có trụ sở chính đặt tại tòa nhà Kết Hiền, số 1, đường Mê Linh, phường Liên Bảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, Công ty này còn có một Showroom Kết Hiền tại địa chỉ số 36 Cát Linh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Kết (SN 1973) - người được biết là đại gia kín tiếng bậc nhất tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo tìm hiểu của Thương hiệu và Công luận, thương hiệu KEHIN được khởi nguồn là cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh các loại. Từ năm 2010 đến nay, KEHIN đã mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực mới như: Xây dựng dân dụng, đường giao thông; kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp; xây dựng các khu đô thị; cho thuê hoặc bán nhà xưởng; tư vấn, môi giới bất động sản; xúc tiến đầu tư…
Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, KEHIN có số vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng, gồm 02 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Hiền (98,4%) và ông Văn Hoàng Long (1,6%). Đến tháng 11/2014, số vốn vẫn được giữ nguyên nhưng cơ cấu cổ đông đã có sự thay đổi như sau: Ông Nguyễn Văn Kết (60%) và bà Nguyễn Thị Hiền (40%). Tháng 01/2018, số vốn điều lệ của KEHIN ở mức 300 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông lúc này gồm: Ông Nguyễn Văn Hưng (2%), Nguyễn Văn Kết (60%) và Hiền (38%). Thời điểm cuối năm 2019, số vốn tăng lên thành 550 tỷ đồng.
Tại thời điểm tháng 05/2022 (cập nhật ở lần thay đổi gần nhất), số vốn điều lệ của KEHIN đã đạt mức 1.500 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông năm 2018 của KEHIN. Ảnh chụp màn hình công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của Công ty cổ phần KEHIN.
Trong các lần tăng vốn của KEHIN, đáng chú ý nhất là đợt tăng vốn vào tháng 06/2020. Đây cũng là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 lan rộng, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế trong nước và quốc tế, có ý nghĩa vô cùng to lớn, đặc biệt quan trọng bởi tính cấp thiết. Trước đó ít ngày, 28/05/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký liền tay hai Quyết định số 1221 và 1228 về việc chấp thuận KEHIN Group làm nhà đầu tư dự án Khu nhà ở xã hội tại thôn Rừng Cuông và Khu nhà ở hỗn hợp tại thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc với tổng vốn đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng. Điều đó cũng đặt ra lo ngại trong hồ sơ tham gia dự thầu của KEHIN Group, liệu có đáp ứng các tiêu chí về tài chính mà chính quyền Vĩnh Phúc đặt ra hay không, khi số vốn điều lệ nếu chưa điều chỉnh tăng sẽ chỉ chiếm khoảng trên 20% tổng vốn đầu tư của cả hai dự án, chưa kể xét về yếu tố kinh nghiệm?
Được biết, ngoài KEHIN thì doanh nhân này còn là chủ sở hữu Công ty TNHH Tập đoàn Cieza Việt Nam - pháp nhân được thành lập vào tháng 10/2009. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn nguyên liệu, thiết bị lắp đặt trong xây dựng. Ở lần cập nhật đăng ký kinh doanh gần nhất, Cieza Việt Nam có vốn điều lệ 50 tỷ đồng với 90,41% vốn điều lệ do ông Kết nắm giữ, số còn lại thuộc về bà Nguyễn Thị Hiền.
Ngoài ra, nhóm này còn có Công ty TNHH Một thành viên Chí Cường Vĩnh Phúc (tên cũ là Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Tổng hợp Vĩnh Phúc), địa chỉ tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 05/2023 vừa qua, công ty này đã nâng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng.
Nhà thầu “quen mặt” tại Vĩnh Phúc
Mặc dù khởi sự và đăng ký kinh doanh chính trong lĩnh vực bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt trong xây dựng, tuy nhiên KEHIN lại là nhà thầu quen mặt tại tỉnh Vĩnh Phúc với loạt dự án lớn.
Theo dauthau.info, Công ty cổ phần KEHINtham gia 24 gói thầu (trúng 24 gói) với tổng giá trị trúng thầu là hơn 2.064,3 tỷ đồng. Tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập là hơn 832,3 tỷ đồng và tổng giá trị các gói thầu đã tham gia và trúng thầu với vai trò liên danh là 1.231,9 tỷ đồng. Song, nhìn lại lịch sử tham gia các gói thầu của KEHIN cho thấy, đơn vị luôn là nhà thầu quen mặt tại tỉnh Vĩnh Phúc với loạt dự án lớn.
Cụ thể, ngày 23/08/2022, tại Gói thầu cải tạo, nâng cấp ĐT.303, đoạn từ Km7+00 đến Km9+00 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc là bên mời thầu. Tại dự án này, KEHIN cùng CTCP Đầu tư Nam-Invest đã trúng thầu với giá 126.691.442.000 đồng (giá gói thầu 131.732.184.000 đồng); Tại Gói thầu: Xây lắp tại Đường Nguyễn Văn Linh (Phúc Yên) kéo dài đi Khu công nghiệp Bá Thiện.
Tại dự án này, KEHIN cùng với 02 doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tân An Vĩnh Phúc và Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng 99 đã trúng thầu với giá trúng thầu 95,9 tỷ đồng (giá gói thầu là 96,1 tỷ đồng); Tại Gói thầu: Thi công Gói thầu xây lắp số 01 đoạn từ K0 + 000 đến K6 + 139.6 thuộc dự án xử lý cấp bách kè chống sạt lở bờ tả sông Phó Đáy, Liên danh KEHIN và CTCP xây lắp thủy lợi Hưng Yên đã trúng thầu với giá 64,7 tỷ đồng; Hay như tại Gói thầu: Xây dựng và đảm bảo giao thông công trình: Đường đô thị Tam Hồng, đoạn từ ĐT.305 thôn Lâm Xuyên đi đường vành đai 4, tỉnh Vĩnh Phúc có giá trị hơn 92,8 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án xây dựng và phát triển Cụm công nghiệp huyện Yên Lạc làm đầu tư...
Đến năm 2020, KEHIN đã tự đứng độc lập làm 06 gói thầu với tổng giá trị trên 460 tỷ đồng, đi kèm với tỷ lệ tiết kiệm rất thấp, đến từ các chủ đầu tư như: Ban Quản lý dự án xây dựng và phát triển cụm công nghiệp huyện Yên Lạc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc...
Ngày 29/12/2021, với tư cách là nhà thầu độc lập KEHIN trúng gói thầu xây lắp tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sông Lô với giá trị là 98.793.099.000 đồng (dự toán là 99.032.478.853 đồng).
Đến nay, KEHIN vẫn triền miên trúng thêm những gói thầu trăm tỷ đồng với tổng số tiền ước tính gần 1.700 tỷ đồng. Đối lập, số tiền giảm giá cho nguồn ngân sách lại rất hạn chế, cho thấy hoạt động đấu thầu tại địa phương này không thực sự hiệu quả, hoặc chí ít là những gói thầu có sự xuất hiện của KEHIN đang không tối ưu cho Ngân sách Nhà nước.
Theo tìm hiểu của phóng viên Thương hiệu và Công luận, KEHIN và Tập đoàn Phúc Sơn (Công ty của ông Nguyễn Văn Hậu - tức Hậu "pháo" vừa bị Cơ quan Điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam) là một trong những chủ đầu tư trúng thầu và có nhiều dự án nhất tỉnh Vĩnh Phúc.
KEHIN Group cũng ngày càng khẳng định tên tuổi, được nhiều người biết đến với vai trò là chủ đầu tư loạt dự án lớn quê nhà, có thể kể tên như: Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương (dự án Minh Phương) với quy mô 34ha. Tại Quyết định số 1081/QĐ-UBND ngày 07/04/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc thành lập và giao cho Công ty TNHH thương mại Kết Hiền (do ông Nguyễn Văn Kết làm Giám đốc) làm chủ đầu tư dự án Minh Phương. Tổng vốn đầu tư hạ tầng là 150 tỷ đồng.
Sau nhiều năm chậm triển khai, đến năm 2020, chủ đầu tư được đổi tên sang CTCP KEHIN tổng vốn vốn đầu tư tăng lên hơn 463 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, dự án Minh Phương là dự án Nhà nước thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng và đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1081/QĐ - UBND ngày 07/04/2017; được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại Văn bản số 1567/TTg – NN ngày 09/11/2018 và đã có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2018, 2019, 2020, 2021 của UBND huyện Yên Lạc. Hiện nay, Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương đã được bàn giao mặt bằng, thi công và đưa vào hoạt động.
Hiện, KEHIN cũng là chủ đầu tư một số khu đô thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như: Khu nhà ở hỗn hợp tại thị trấn Yên Lạc được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt là nhà đầu tư dự án Khu nhà ở hỗn hợp tại thị trấn Yên Lạc tại Quyết định số 1228, ngày 28/05/2020. Dự án này có quy mô diện tích sử dụng đất là 11,339ha và tổng mức đầu tư lên đến 577,8 tỷ đồng.
Khu nhà ở xã hội tại thôn Rừng Cuông, tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên có diện tích là 10,96ha. Dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Quyết định chủ trương đầu tư năm 2020 với tổng diện tích dự án gần 11ha, tổng mức đầu tư hơn 1.658 tỷ đồng, thời gian thực hiện 48 tháng. Công tác giải phóng mặt bằng đã đạt gần 100%.
KEHIN làm ăn thế nào?
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của KEHIN Group dao động khoảng từ 200 - 300 tỷ đồng/năm. Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2022, doanh thu lần lượt đạt 295 tỷ đồng, 322 tỷ đồng, 270 tỷ đồng, 295 tỷ đồng, 358 tỷ đồng và 182 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp công bố lợi nhuận lên cơ quan quản lý Nhà nước hàng năm, khiêm tốn ở mức vài trăm triệu đồng. Ví dụ, 21 triệu đồng (năm 2017), 250 triệu đồng (năm 2018), 495 triệu đồng (năm 2022). Đây là những con số rất èo uột, mang đậm tính tượng trưng bởi sự chênh lệch quá lớn với nguồn thu "khủng" từ các gói thầu, như đề cập phía trên, đều có tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp, có lợi nhất cho nhà thầu.
Tính riêng năm 2022, doanh thu thuần KEHIN đạt 182,5 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi các chi phí và thuế, công ty lãi ròng 495 triệu đồng, cao hơn so với năm 2021 là lỗ 5,8 tỷ đồng. Trước đó, công ty năm 2020 lãi 245 triệu đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản KEHIN tại ngày 31/12/2022 đạt 1.962 tỷ đồng, tăng 25,1% so với số đầu năm. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu công ty đạt gần 1.485 tỷ đồng (tăng 50,8%), nợ phải trả 477,4 tỷ đồng (giảm 18,2%).
Minh An