Dự án Meypearl Harmony Phú Quốc của Tân Á Đại Thành.
Tân Á Đại Thành nắm giữ thị phần số một về các sản phẩm bồn inox, bồn nhựa, bình nước nóng, máy nước nóng năng lượng mặt trời. Được thành lập năm 1993, tập đoàn này hiện có 19 công ty thành viên, 17 nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam và Lào, 307 chi nhánh và trung tâm, hơn 30.000 điểm bán hàng trên toàn quốc.
Vài năm gần đây, Tân Á Đại Thành nhảy vào cuộc chơi địa ốc. Công ty Cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành – Meyland được thành lập năm 2019 chính là dấu mốc cho chuyển biến này.
Trên website của mình, Tân Á Đại Thành – Meyland “khoe” có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, gồm 8 công ty thành viên đồng thời không giấu giếm tham vọng lọt vào “Top 5 thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam”.
Hiện nay, Tân Á Đại Thành Meyland đang sở hữu quỹ đất lớn tại Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc, Nghệ An, Bình Thuận, Long An… Danh mục dự án của công ty không ít, song nổi bật nhất là Meyhomes Capital Phú Quốc (Kiên Giang), khu nghỉ dưỡng Bãi Lữ (Nghệ An).
Theo tìm hiểu của VietTimes, Tân Á Đại Thành – Meyland ban đầu do bà Nguyễn Thị Mai Phương (sinh năm 1964) làm Chủ tịch HĐQT. Bà Phương cũng chính là “nữ tướng” của Tập đoàn Tân Á Đại Thành. Sau đó, chức vụ chủ tịch HĐQT chuyển giao cho ông Nguyễn Minh Ngọc (sinh năm 1966), còn ghế tổng giám đốc được giao cho ông Đặng Quang Minh (sinh năm 1972).
Khi mới thành lập, Tân Á Đại Thành – Meyland có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó, bà Nguyễn Thị Mai Phương nắm 45%, ông Nguyễn Minh Ngọc nắm 27%, ông Nguyễn Anh Tuấn nắm 18%, bà Nguyễn Phương Anh nắm 10%.
Tháng 12/2021, công ty tăng vốn lên 1.745 tỷ đồng rồi tiếp tục tăng lên 2.165 tỷ đồng vào tháng 6/2023. Như vậy, so với thời điểm ban đầu, vốn điều lệ của công ty đã tăng gấp 4 lần.
Kể từ khi gia nhập cuộc chơi địa ốc, Tập đoàn Tân Á Đại Thành tích cực “săn” các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản. Hồi 2020, tập đoàn này thâu tóm thành công Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng HUD Kiên Giang – đơn vị sở hữu 2 dự án: khu du lịch sinh thái Bãi Chén (huyện Kiên Hải) và khu dân cư, đô thị mới Suối Lớn – Phú Quốc.
Hay như năm 2021, tập đoàn này đã mang về hệ sinh thái Công ty Cổ phần Căn nhà Mơ ước – Cửu Long. Đây là doanh nghiệp được lập năm 2007, từng là đơn vị liên kết của Công ty Cổ phần Đầu tư Căn nhà Mơ ước (nay là DRH Holdings, HoSE: DRH).
Ở Công ty Cổ phần Căn nhà Mơ ước – Cửu Long, năm 2021, bà Nguyễn Thị Mai Phương là Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Minh Ngọc là Tổng giám đốc. Sau đó, ghế chủ tịch giao lại cho ông Nguyễn Minh Ngọc, còn ghế tổng giám đốc thuộc về ông Đặng Quang Minh. Sau thâu tóm, công ty này cũng được nâng vốn điều lệ lên 115 tỷ đồng.
Tân Á Đại Thành – Meyland làm ăn ra sao?
Việc liên tục mở rộng hệ sinh thái bất động sản đã giúp Tân Á Đại Thành - Meyland gặt hái thành tựu kinh doanh đáng kể. Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2022, doanh thu thuần của công ty tăng mạnh từ 471 tỷ đồng lên 1.834 tỷ đồng, tức tăng gấp 4 lần. Từ lỗ sau thuế 27 tỷ đồng (2021), công ty báo lãi 156 tỷ đồng (2022).
Tuy nhiên, năm 2023, hoạt động kinh doanh của công ty có bước lùi lớn khi doanh thu thuần chỉ đạt 1.192 tỷ đồng, giảm 35% so với năm trước. Lợi nhuận gộp cũng giảm tới 42%, còn 127 tỷ đồng. Phải nhờ tới doanh thu tài chính lớn, công ty mới có lãi sau thuế 255 tỷ đồng.
Dù mức lãi sau thuế 2023 là khá tốt, song điều đáng nói là dòng tiền kinh doanh năm này lại âm rất nặng (âm 1.017 tỷ đồng). Điều này phản ánh một thực tế đáng lo ngại là công ty không thu được tiền về từ hoạt động kinh doanh.
Để có tiền trang trải các hoạt động, công ty một mặt tăng cường vay nợ (dòng tiền đi vay đạt 792 tỷ đồng, tăng 44% so với năm trước), mặt khác rút tiền từ hoạt động đầu tư về, đồng thời gọi thêm vốn từ cổ đông (hút về 420 tỷ đồng).
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Tân Á Đại Thành - Meyland phải gọi vốn từ các cổ đông để bù đắp cho sự thiếu hụt dòng tiền. Năm 2021, công ty cũng đã phải gọi tới 1.245 tỷ đồng từ cổ đông khi dòng tiền kinh doanh âm tới 1.169 tỷ đồng.
Dù vậy, khi kết thúc năm 2023, lưu chuyển tiền thuần của công ty vẫn âm 25 tỷ đồng, khiến tiền và tương đương tiền cuối năm chỉ còn vỏn vẹn 6 tỷ đồng.
Lượng tiền quá ít ỏi là một chỉ dấu đáng quan ngại đối với khả năng thanh toán của Tân Á Đại Thành – Meyland. Sự quan ngại này càng có cơ sở hơn khi năm 2023, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn tới 12%, đồng nghĩa với khả năng thanh toán ngắn hạn của công ty ở mức thấp.
Xem xét thêm về cấu trúc nguồn vốn của công ty, có thể thấy giá trị nợ phải trả năm 2023 tương đương 36% tổng tài sản. Đặt trong bối cảnh công ty dành tới 67% tổng tài sản đi đầu tư tài chính dài hạn (đầu tư vào các công ty con), có thể suy luận một cách cơ học rằng, ngoại trừ phần vốn góp vào các công ty con, tài sản còn lại của công ty đều được hình thành từ nợ.
Một điều đáng nói khác là ngay với khoản đầu tư tài chính dài hạn, công ty cũng phải duy trì khoản dự phòng lên tới 175 tỷ đồng, phản ánh mức độ rủi ro ở mức rất đáng kể. Đó là chưa nói năm 2023, giá trị các khoản phải thu của công ty tăng gần 3 lần so với năm trước, lên 923 tỷ đồng, tương đương 26% tổng tài sản.
Tựu trung, Tân Á Đại Thành – Meyland là một công ty tương đối tốt, song sự sụt giảm trong năm 2023 rất có thể là bước khởi đầu cho một điều gì đó kém tích cực hơn, bởi khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn trong năm này chỉ còn 258 tỷ đồng, là năm giảm thứ hai liên tiếp, với mức giảm tới 62% so với năm 2021.
Mặt khác, hướng đi vào đô thị - nghỉ dưỡng của Tân Á Đại Thành – Meyland cũng là một hướng đi không hề bằng phẳng, nếu không muốn nói là đối diện với rất nhiều khó khăn, nhất là khi thị trường Phú Quốc đã trầm lắng hàng năm trời.
Yến Thanh