Tiền gửi ngân hàng giảm 98.4 tỷ USD xuống 17.5 ngàn tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 15/03, theo dữ liệu của Fed vừa công bố trong ngày 24/03. Tiền gửi ở các ngân hàng nhỏ giảm 120 tỷ USD, trong khi 25 ngân hàng lớn nhất có thêm gần 67 tỷ USD.
Tiền gửi "khác", trong đó loại bỏ các khoản có ngày đáo hạn như chứng chỉ tiền gửi, giảm 78.2 tỷ USD xuống 15.7 ngàn tỷ USD. So với cùng kỳ, lượng tiền gửi có thanh khoản cao này (như tiền tiết kiệm và tài khoản thanh toán) giảm 6.1%, mức giảm mạnh nhất kể từ đầu thập niên 70.
Các ngân hàng chứng kiến tiền gửi bị rút dần trong thời gian qua do lợi suất của những tài sản khác hấp dẫn hơn. Khi mối lo ngại về hệ thống ngân hàng bắt đầu lan rộng, lượng rút tiền gửi cũng tăng vọt. Nhiều người gửi tiền chuyển sang các quỹ thị trường tiền tệ. Trong tuần kết thúc vào ngày 22/03, hơn 117 tỷ USD đã chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ, theo dữ liệu từ Viện Công ty Đầu tư (ICI).
Dữ liệu tuần về tiền gửi của Fed đột nhiên trở thành dữ liệu quan trọng với thị trường và nền kinh tế sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và một số ngân hàng khác. Bất chấp những rắc rối trong hệ thống tài chính, Fed vẫn quyết định nâng lãi suất lần thứ 9 trong tuần này để chống lạm phát.
"Hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn lành mạnh và vững chắc", Fed cho biết trong tuyên bố sau cuộc họp. Tuy vậy, họ cảnh báo "các diễn biến gần đây có khả năng dẫn tới điều kiện tín dụng thắt chặt hơn với hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời gây áp lực lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát. Mức độ tác động vẫn chưa rõ ràng".
Trước sự sụp đổ của một số ngân hàng, giới chức Mỹ đã tung ra các biện pháp bất thường để củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính, chẳng hạn như bảo đảm toàn bộ tiền gửi ở SVB và Signature Bank, trong khi Fed đưa ra chương trình cho vay khẩn cấp mới và nới lỏng điều kiện của công cụ cửa sổ chiết khấu (discount window).
Việc có 4 ngân hàng sụp đổ chỉ trong 11 ngày khiến nhà đầu tư "vò đầu bứt tóc". Các chỉ báo gần đây cho thấy các ngân hàng đã thắt chặt tiêu chuẩn cho vay để củng cố tình hình tài chính, từ đó làm gián đoạn dòng tín dụng và gây khó khăn cho nền kinh tế.
"Đây là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi hoàn toàn", Jane Fraser, CEO của Citigroup, cho biết tại một sự kiện ở Câu lạc bộ Kinh tế Washington.
"Chỉ một vài dòng tweet và sau đó mọi thứ sụp đổ nhanh hơn nhiều so với những gì xảy ra trong quá khứ. Thành thật mà nói, tôi nghĩ các cơ quan điều hành đã làm rất tốt khi phản ứng rất nhanh với các sự vụ ngân hàng".
Tổng lượng cho vay của ngân hàng tăng thêm 63.4 tỷ USD lên 12.2 ngàn tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 15/03, dữ liệu của Fed cho thấy.
Trong đó, 25 ngân hàng lớn nhất chiếm khoảng 3/5 hoạt động cho vay, nhưng ở một số lĩnh vực quan trọng - bao gồm cả bất động sản, các ngân hàng nhỏ lại là bên cung ứng tín dụng quan trọng nhất.
Căng thẳng thanh khoản
Sau vụ sụp đổ của SVB, Fed đã hỗ trợ thêm thanh khoản cho các ngân hàng. Các ngân hàng đã vay tổng cộng 165 tỷ USD từ hai công cụ vay của Fed, theo dữ liệu công bố trong ngày 23/03. Đây là một dấu hiệu cho thấy căng thẳng thanh khoản leo thang.
Tính chung, các khoản cho vay khẩn cấp khiến bảng cân đối kế toán của Fed tăng thêm khoảng 440 tỷ USD chỉ trong vài ngày, đảo ngược quá trình thắt chặt định lượng mà Fed khởi động từ tháng 6/2022.
Trước khi được hỗ trợ, tỷ lệ tiền mặt và tương đương tiền trên tài sản ở các ngân hàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm.
Vũ Hạo