Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank; mã: SSB) đã công bố danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ cập nhật đến ngày 29/10/2024. Trong đó, có 4 cá nhân và 13 công ty sở hữu tổng cộng gần 1,625 tỷ cổ phiếu SSB, tương đương hơn 57,3% cổ phần SeABank.
Điểm đáng chú ý, có 4 cá nhân có liên quan đến bà Nguyễn Thị Nga đang nắm giữ trên 1% vốn điều lệ của SeABank. Cụ thể, ông Lê Hữu Báu (chồng bà Nga) nắm giữ 1,785% vốn; ông Lê Tuấn Anh (con trai bà Nga) nắm 1,873% vốn; bà Lê Thu Thủy (con gái bà Nga) cũng là Phó Chủ tịch SeABank, sở hữu hơn 65,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,316% vốn ngân hàng. Còn riêng bà Nga, thì nữ doanh nhân này đang sở hữu hơn 111,5 triệu cổ phiếu SSB, tương đương 3,936% vốn SeABank.
Bên cạnh đó, một doanh nghiêp có liên quan đến bà Nga là Công ty TNHH Phát triển Đầu tư Phú Mỹ (bà Nga đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐTV) cũng nắm giữ hơn 141,1 triệu cổ phiếu SSB, tương ứng 4,98% vốn SeABank.
Tổng cộng, số cổ phần bà Nga và người thân cùng công ty liên quan đang trực tiếp nắm giữ tương đương 14,89% vốn SeABank.
Ngoài ra, sức ảnh hưởng của gia đình bà Nguyễn Thị Nga tại SeABank còn thể hiện qua loạt công ty nằm trong danh sách sở hữu từ 1% có quan hệ khá chặt chẽ với Tập đoàn BRG (bà Nga là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn BRG) và cá nhân bà Nga.
Đầu tiên là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Cường (BĐS Phú Cường), đơn vị đang nắm giữ hơn 125,8 triệu cổ phiếu SSB, tương đương 4,438% vốn SeABank. Năm 2015, doanh nghiệp này từng nắm giữ hơn 51% vốn tại Tập đoàn BRG. Tuy nhiên, về sau BĐS Phú Cường cũng giảm dần tỷ lệ sở hữu ở Tập đoàn BRG.
Bà Nguyễn Thị Nga hiện là Phó Chủ tịch thường trực SeABank, đồng thời là còn là lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp như: BRG Group, NHSC...
Ở chiều ngược lại, Công ty CP Dịch vụ Kinh doanh BĐS Hà Nội (Hanoi Real Estate) lại là cổ đông lớn nhất của Công ty BĐS Phú Cường. Một điểm khá thú vị, là bà Đặng Thị Hà Nguyên - Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của BĐS Hà Nội lại từng giữ chức Thành viên HĐQT Công ty CP Chứng khoán ASEAN (một doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn BRG và hệ sinh thái SeABank).
Mối quan hệ với BRG và Công ty BĐS Phú Cường còn được thể hiện qua việc doanh nghiệp địa ốc này từng ôm trọn lô trái phiếu 1.300 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư Dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội (một thành viên của Tập đoàn BRG) phát hành năm 2019 và do Chứng khoán ASEAN là tổ chức tư vấn, đại lý phát hành và đại lý quản lí trái phiếu.
Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Xây dựng và DVTM Đức Khang sở hữu 3,798% vốn SeABank. Hồi tháng 11/2022, Công ty BĐS Phú Cường góp hơn 352 tỷ đồng để sở hữu 49,99% vốn Công ty Đức Khang. Bên cạnh đó, BĐS Phú Cường từng tham gia góp vốn vào Công ty TNHH Thung Lũng Vua (Công ty Thung Lũng Vua). Thung Lũng Vua lại chủ đầu tư dự án dự án sân Golf Quốc tế Đảo Vua và dự án Mở rộng 18 hố golf tại Đồng Mô, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Đây được giới thiệu là một dự án trọng điểm của Tập đoàn BRG. Tham gia góp vốn vào Công ty Thung Lũng Vua còn Công ty TNHH Đầu tư Dịch vụ Kim Ngân, doanh nghiệp này lại sở hữu hơn 115,6 triệu cổ phiếu SSB, tương ứng 4,079% vốn điều lệ SeABank.
Danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn của SeABank còn có sự xuất hiện của Công ty CP Khách sạn Du lịch Sông Nhuệ với số cổ phiếu nắm giữ là 111,6 đơn vị, tương ứng 3,938% vốn SeABank. Được biết, Công ty CP Khách sạn Du lịch Sông Nhuệ (Công ty Sông Nhuệ) có địa chỉ tại Số 150, Trần Phú, Phường Mộ Lao, Quận Hà Đông. Điểm đặc biệt, đây lại là địa chỉ của khách sạn Sông Nhuệ - khách sạn thuộc sở hữu của Tập đoàn BRG. Trước đó, trên thị trường cũng xuất hiện nhiều thông tin về việc tập đoàn BRG đã tham gia góp vốn vào Công ty Sông Nhuệ và mua gom cổ phiếu của công ty này từ năm 2007.
Bên cạnh đó, Công ty Sông Nhuệ từng dùng dự án Công trình hỗn hợp dịch vụ văn phòng và nhà ở tại 4.1 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (BRG Diamond Residence) làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại SeABank. Qua đó, có thể thấy được mối liên quan mật thiết của Công ty Sông Nhuệ với Tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga.
Danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ SeABank còn có Công ty TNHH Thương mại Vượng Tiến. Doanh nghiệp này nắm giữ hơn 91,2 triệu cổ phiếu SSB, tương ứng 3,219% vốn điều lệ SeABank; đồng thời người có liên quan nắm 0,564% vốn ngân hàng.
Lịch sử hoạt động của Công ty Vượng Tiến từng xuất hiện nhân vật quan trọng là bà Vũ Thị Ngọc Quỳnh ở vai trò Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật và nắm giữ 28% vốn điều lệ. Bà Quỳnh vốn không phải gương mặt xa lạ khi nhiều năm đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban kiểm soát tại SeABank.
Trong danh sách được SeABank công bố còn có Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoàng Ngân, đơn vị sở hữu hơn 84,8 triệu cổ phiếu SSB, tương ứng 2,993% vốn ngân hàng. Công ty Hoàng Ngân từng ghi dấu ấn của BRG Group khi được một đơn vị thành viên tập đoàn này là Công ty Cổ phần Phát triển TN (bà Nguyễn Thị Nga đại diện phần vốn góp) từng góp 35% vốn.
Một pháp nhân khác đang sở hữu hơn 80,7 triệu cổ phiếu SSB, tương ứng 2,849% vốn ngân hàng in đậm dấu ấn “người SeABank” là Công ty TNHH Đầu tư Tài chính và Thương mại Vạn Lộc. Dữ liệu cho thấy đơn vị này từng do ông Lê Văn Tần - Chủ tịch HĐQT SeABank điều hành.
Danh sách cổ đông được SeABank công bố còn có một cái tên quen thuộc là Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam – Công ty CP (Vinamotor) với tỷ lệ sở hữu là 2,755% cổ phần. Trên website, Vinamotor tự giới thiệu có tiền thân là Cục cơ khí Bộ GTVT (1964 – 1985) và đến năm 2016 Vinamotor trở thành thành viên của Tập đoàn BRG.
Như vậy, trong sách 17 cổ đông sở hữu trên 1% vốn của SeABank thì có tới 13 cổ đông có liên quan trực tiếp, gián tiếp hoặc người có liên quan của gia đình bà Nguyễn Thị Nga và BRG Group. Tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này lên tới 42,959% vốn SeABank.
Căn cứ khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 63 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông trong tổ chức tín dụng được quy định như sau:
(i) Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 05% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
(ii) Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
(iii) Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác.
SeABank cấp tín dụng khủng cho doanh nghiệp do bà Nga làm CEO
Mới đây, SeABank đã thông qua nghị quyết về việc cấp tín dụng cho Công ty CP Đầu tư phát triển thông minh Bắc Hà Nội (NHSC). Theo đó, SeABank sẽ cung cấp tín dụng có giá trị 4.300 tỷ đồng thông qua Trung tâm khách hàng doanh nghiệp lớn miền Bắc.
Nghị quyết của SeABank thông qua việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp do bà Nguyễn Thị Nga làm CEO.
Theo tìm hiểu, NHSC được thành lập năm 2019 với vốn điều lệ 3.538 tỷ đồng, là liên doanh giữa Công ty CP Tập đoàn BRG (nắm 20% vốn) và đối tác Nhật Bản Sumimoto Corporation (nắm 50%) vốn. Phần vốn góp còn lại do Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam nắm 14%, Công ty TNHH Đầu tư BĐS Phú Cường nắm 14% và Công ty CP DV và Kinh doanh BĐS Hà Nội nắm 5%.
Tháng 10/2023, NHSC tăng vốn mạnh lên 14.260 tỷ đồng. Hiện, công ty do bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch thường trực SeABank, đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
NHSC được biết đến là chủ đầu tư của dự án Thành phố Thông minh Bắc Hà Nội có quy mô hơn 270ha, trị giá 4,2 tỷ USD, tại ba xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Kim Nỗ của huyện Đông Anh. Dự án sẽ được thực hiện trong 9 năm chia làm 5 giai đoạn.
Trong đó, Trung tâm tài chính, thương mại hỗn hợp cao 108 tầng - được coi là điểm nhấn, trái tim của dự án, sẽ được xây dựng ở giai đoạn cuối cùng (cuối năm 2030 đến cuối 2032). Tòa tháp này cao 639 m, nằm tại ô đất 3.3.4 trên diện tích hơn 133.000 m2, mật độ xây dựng gần 23%.
Qua tìm hiểu được biết, tính tại ngày 30/9, tổng tài sản SeABank đạt 288.518 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 196.889 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm. Còn nợ xấu của SeABank tiếp tục tăng lên 5,8%, đạt 3.685 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu vào cuối quý 3/2024 ở mức 1,87%.
Hồng Vũ