Hiện nay, thị trường sản phẩm hàng hóa đang có nhiều cạnh tranh giữa hàng nội địa và hàng ngoại. Để tạo được chỗ đứng và niềm tin của người tiêu dùng, các doanh nghiệp phải liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu bao bì mới thu hút khách hàng.
Đặc biệt, việc ghi nhãn hàng hóa cần phải rõ ràng, đầy đủ thông tin và minh bạch để ngăn chặn gian lận xuất xứ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa. Đồng thời, tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm, hàng hóa có nhãn dán minh bạch, rõ ràng và tuân thủ các quy định pháp luật.
Sản phẩm xịt giày khử mùi Ximo được quảng cáo mang công nghệ Nhật Bản.
Hàng thương hiệu Nhật xuất xứ "China"
Giày là một trong những phụ kiện được sử dụng rất nhiều. Cũng vì thế mà nó thường gặp phải nhiều vết bẩn cứng đầu, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức để có thể tẩy rửa. Điều này cho thấy sự cần thiết của nhiều dòng sản phẩm vệ sinh giày chuyên dụng. Với nhu cầu ngày một cao nên ngay khi được ra mắt, các sản phẩm vệ sinh giày không mất quá nhiều thời gian để khẳng định được sức hút và tầm ảnh hưởng của mình.
Trong đó, Ximo hiện đang là thương hiệu dẫn top đầu thị trường kinh doanh sản phẩm vệ sinh giày với hàng triệu lượt ủng hộ và tin dùng của khách hàng thông qua cửa hàng trực tiếp tại Hà Nội, TP.HCM và qua các sàn Thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tik Tok Shop. Không chỉ được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, Ximo còn từng là thương hiệu vệ sinh giày Việt lọt Top 100 Thương hiệu tin cậy.
Tuy nhiên, theo phản ánh của khách hàng đến PV Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, một số chi tiết được hiển thị trên các sản phẩm của Ximo dễ gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ của mặt hàng này. Đặc biệt, những sản phẩm của Ximo được bán trên các sàn thương mại điện tử thường thường không có nhãn phụ bằng tiếng Việt càng khiến khách hàng rơi vào ma trận nguồn gốc.
Cụ thể, sản phẩm bình xịt khử mùi hôi chân và làm sạch mùi giày Ximo Deodorant của Công ty TNHH Ximo Việt Nam được quảng cáo là sản phẩm mang công nghệ nano Nhật Bản, trên vỏ chai thể hiện ngôn ngữ Nhật Bản. Tuy nhiên, sản phẩm này thực chất có xuất xứ "made In P.R.C".
Được biết, P.R.C chính là viết tắt của cụm từ People's Republic Of China: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thông thường những sản phẩm được sản xuất và nhập khẩu tại Trung Quốc, thông tin xuất xứ thể hiện trên nhãn hàng hóa là “made in China”. Trong khi đó, thông tin xuất xứ thể hiện trên nhãn hàng hóa của bình xịt khử mùi hôi chân và làm sạch mùi giày Ximo Deodorant thể hiện “made in P.R.C” khiến nhiều khách hàng khó hiểu.
"Lúc mua tôi cứ nghĩ đó là sản phẩm của Nhật Bản, được Công ty Ximo Việt Nam nhập khẩu về Việt Nam bán nên đặt mua trên mạng. Lúc mua về tôi có kiểm tra nguồn gốc thấy ghi "made in P.R.C" nhưng không nghĩ nhiều, cho đến khi có người giải nghĩa về chữ P.R.C, tôi mới biết mình đã mua hàng Trung Quốc thay vì Nhật Bản như nhầm tưởng", một khách hàng ở Quận 12 (TP.HCM) phản ánh với Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo.
P.R.C là cụm từ chỉ các sản phẩm này có nguồn gốc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ngoài sản phẩm bình xịt khử mùi hôi chân và làm sạch mùi giày Ximo Deodorant, Công ty TNHH Ximo Việt Nam còn nhập khẩu nhiều mặt hàng khác. Khi nhập hàng về Việt Nam, Công ty Ximo Việt Nam sẽ bỏ sỉ cho một số cá nhân, doanh nghiệp để phân phối sản phẩm ra thị trường với mức chiết khấu tương đối.
Một số doanh nghiệp sau khi nhận hàng từ Công ty Ximo Việt Nam sẽ dán nhãn phụ tiếng Việt rồi đưa vào các trung tâm thương mại để bán. Điển hình như Công ty TNHH Quốc tế Đức & Việt bán sản phẩm tại cửa hàng Kohnan Japan ở Gigamall Thủ Đức (TP.HCM), trên nhãn phụ thể hiện rõ sản phẩm bình xịt khử mùi hôi chân và làm sạch mùi giày Ximo Deodorant "made in China".
Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác khi bán trên các sàn thương mại điện tử vẫn để xuất xứ "made In P.R.C" như Công ty TNHH xuất nhập khẩu và thương mại Thịnh Long.
Thực tế, người tiêu dùng hiện nay không phải ai cũng thông thái. Vì vậy, việc các sản phẩm không thể hiện rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ sẽ khiến khách hàng nhầm lẫn. Nhiều người sau khi về nhà mới nhận ra trót mua nhầm nhưng đã quá trễ, ví dụ như khách hàng mua sản phẩm Ximo Deodorant ở trên phải thốt lên: "Biết là hàng Trung Quốc tôi sẽ không mua".
Có được viết tắt tên nguồn gốc?
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn - Luật sư điều hành Phan Law Vietnam - Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, pháp luật Việt Nam quy định rõ, hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải có nhãn hàng hóa (Điều 32.2 Luật Thương mại 2005) nhằm giúp cho người tiêu dùng biết các thông tin liên quan về nguồn gốc sản phẩm, thành phần, cách sử dụng hoặc bảo quản sản phẩm. Từ đó, người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng.
Tại một số trung tâm thương mại, sản phẩm được dán nhãn phụ bằng tiếng Việt và bán trong các cửa hiệu bán sản phẩm Nhật Bản.
Đồng thời, nhãn hàng hóa cũng sẽ là phương thức giúp cho nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Căn cứ theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 111/2021/NĐ-CP (gọi tắt là “Nghị định 43/2017/NĐ-CP”), một trong những nội dung bắt buộc bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa là "xuất xứ hàng hóa". Xuất xứ hàng hóa được hiểu là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó (Điều 3.1 Nghị định 31/2018/NĐ-CP).
Đối với quy định về việc ghi xuất xứ hàng hóa trên nhãn đối với hàng hóa nhập khẩu, Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định rằng: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Trên các sàn thương mại điện tử - nơi mặt hàng này bán chạy nhất - nguồn gốc được để là P.R.C.
Vậy liệu có phải đơn vị nhập khẩu là Công ty Ximo Việt Nam và một số đơn vị phân phối đã cố tình nhập nhằng nguồn gốc sản phẩm khi dùng từ viết tắt để thể hiện nơi xuất xứ?
Thực tế, những năm gần đây, hàng Trung Quốc khó tiêu thụ ở một số quốc gia nên nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyển ghi xuất xứ từ cụm từ quen thuộc “made in China” thành “made in P.R.C”. Đây là dạng đánh tráo tên gọi, điều này sẽ dễ gây ra những nhầm lẫn cho người tiêu dùng, không đảm bảo tính minh bạch của thị trường kinh doanh.
Theo quy định của pháp luật, hành vi kinh doanh hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định thì bị xử phạt lên đến 30.000.000 đồng.
Nhà kho của Công ty Ximo Việt Nam tại TP.HCM.
PV Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo đã liên hệ với chi nhánh của Công ty Ximo Việt Nam tại TP.HCM để làm rõ thông tin về nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng này. Tuy nhiên, chi nhánh này thực chất chỉ là nhà kho của Công ty Ximo Việt Nam để phân phối hàng đến các đơn vị nhập sỉ.
Thanh Thảo